Tinh thần chiến thắng ngày 30/4/1975 và ngày Quốc tế Lao động 01/5

Chủ nhật - 28/04/2024 05:53 1.226 0
Sài Gòn rợp cờ hoa, biểu ngữ mừng chiến thắng (Ảnh tư liệu)
Sài Gòn rợp cờ hoa, biểu ngữ mừng chiến thắng (Ảnh tư liệu)
       1. Tinh thần chiến thắng 30/4/1975       
       “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Đúng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) nhận định, đã 49 năm qua đi nhưng tinh thần chiến thắng 30/4/1975 vẫn tỏa sáng, phát huy giá trị trong thời đại ngày nay.
       Vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc thắng lợi 30 năm trường kỳ gian khổ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
       Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, người Việt Nam đã làm nên những chiến công hiển hách, tiêu biểu như chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đặt dấu chấm hết cho sự đô hộ của thực dân Pháp ở Đông Dương, chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm tháng 12/1972 không những đập tan âm mưu đưa Hà Nội và miền Bắc xã hội chủ nghĩa “trở về thời kỳ đồ đá” mà từ đây thành phố Rồng bay trở thành “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, và Đại thắng mùa xuân 1975 kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 30 năm, đồng thời làm phá sản chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ...
       Chính vì thế, chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là một mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn là một bản anh hùng ca bất hủ của nhân loại. Trong suốt 3 thập kỷ của thế kỷ XX, một dân tộc nhỏ bé - người không đông, đất không rộng, nghèo nàn và lạc hậu - đã dũng cảm, kiên cường chống lại hai kẻ thù xâm lược hùng mạnh, hiếu chiến, giàu tiềm lực quân sự là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và giành được thắng lợi vẻ vang, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là điều mà nhân loại những năm tháng ấy không thể hình dung nổi. 
       Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta từ xưa đến nay. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Xuyên suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải đương đầu với biết bao cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại bang nói riêng cũng như đe dọa nguy nan của thiên tai, địch họa nói chung. Và lịch sử cũng chứng minh, chính tinh thần yêu nước, đoàn kết ấy đã làm nên sức mạnh giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, không những không chịu khuất phục mà còn đương đầu, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ địch hung hãn, bạo tàn.
       Đại thắng mùa xuân 1975 cũng bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước và đặc biệt là tinh thần đoàn kết của người Việt Nam. Nêu cao chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn làm nên sức mạnh dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại - đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới, để thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”!
       Trong 49 năm qua, bài học tinh thần của chiến thắng 30/4/1975, đặc biệt là truyền thống yêu nước, đoàn kết ngày càng được phát huy chính là nhân tố làm nên sức mạnh nội lực để người Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt lên mọi khó khăn, thách thức của bao vây cấm vận, thúc đẩy phát triển, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo đúng di nguyện của Người. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chính là động lực giúp chúng ta đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng trong công cuộc đổi mới và hội nhập, giữ vững độc lập và chủ quyền lãnh thổ, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển đất nước toàn diện, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế...
       2. Ngày Quốc tế Lao động 1/5: Lịch sử và ý nghĩa
       Ngày Quốc tế Lao động 1/5 bắt nguồn từ phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ, trở thành ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới.
       Ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “... Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.  
       Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago.
       Khoảng 40.000 người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”
       Ngày 20/6/1889, Đại hội I của Quốc tế Cộng sản II quyết định lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản. Vào ngày 1/5/1890, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.
       Năm 1920, theo sự phê chuẩn của Lenin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Loài hoa biểu tượng của ngày này là hoa Linh lan. Ngày 1/5/1891, một cuộc biểu tình của công nhân xảy ra ở miền Bắc nước Pháp. 10 người bị bắn chết, trong đó có Marie Blindeau, mang trên mình bộ quần áo trắng tinh khiết. Để tưởng nhớ, người Pháp lấy hoa Linh lan, loài hoa nhỏ màu trắng, thơm dịu, nở vào ngày đầu tiên của tháng Năm làm biểu tượng của ngày 1/5.
       Tại nước ta, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 01/5 hằng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội.
       Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày hội của nhân dân lao động Việt Nam, ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Tác giả bài viết: Ban Tuyên huấn Đảng uỷ (Nguồn sưu tầm)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bộ Y tế
Bộ GD&DT
CĐ Y tế
Sức khỏe đời sống
Quản lý lịch giảng
Trả lời cử chi
Tạp chí Y Dược Thái Bình
Bệnh viên
Dieu duong
viec lam
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập141
  • Hôm nay13,836
  • Tháng hiện tại808,959
  • Tổng lượt truy cập40,869,237
Thăm dò ý kiến

Giao diện mới của website tbump.edu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây