Dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện GDĐT

Thứ tư - 24/07/2024 06:44 893 0
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Tổng Bí thư đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đồng chí hưởng thọ 80 tuổi.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vui mừng gặp lại thầy giáo Lê Đức Giảng, giáo viên chủ nhiệm lớp 10B, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vui mừng gặp lại thầy giáo Lê Đức Giảng, giáo viên chủ nhiệm lớp 10B, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước.

57 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, đồng chí để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần hoạch định chủ trương, đường lối ở tầm chiến lược; xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng; đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều phát biểu, chỉ đạo mang tính chiến lược về giáo dục, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện đạo đức, trở thành lực lượng tiên phong, xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Dấu ấn quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo

Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. [1]

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả”. [2]

Theo đánh giá, các quan điểm, định hướng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết 29 phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của thế giới và thực tiễn phát triển nước ta, có nhiều nội dung quan trọng, có giá trị lâu dài.

Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trong đó, nổi bật là chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đào tạo. Hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện được ban hành tương đối toàn diện, bao quát; thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho đổi mới giáo dục đào tạo.

Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục đào tạo. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Thực hiện Nghị quyết 29, các cơ quan liên quan đã ban hành và tổ chức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Triển khai một chương trình, nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tạo sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt hơn, công tác đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm. Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, nhất là công bố khoa học quốc tế tăng mạnh. Một số cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong nhóm đại học tốt nhất khu vực châu Á và thế giới.

Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên được tăng cường. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai rộng khắp trong toàn ngành Giáo dục.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng…

Người học trò trọng nghĩa tình

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng về tinh thần tôn sư trọng đạo. Dù đã giữ chức vụ cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn giản dị, khiêm nhường khi về thăm trường cũ.

Cụ thể, vào sáng 4/9/2014, Tổng Bí thư dự lễ khai giảng năm học tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội). Đây là nơi đồng chí đã gắn bó, rèn luyện, học tập từ năm 1957-1963, khi đó Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều còn là trường cấp II-III, với sân đất, mái lá… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Thế hệ học sinh chúng tôi hồi đó đến nay đã ở tuổi thất thập rồi, tuy mỗi người một hoàn cảnh, một công việc, nhưng vẫn thỉnh thoảng gặp nhau, trao đổi, tâm tình và đều có chung một tình cảm: Rất vui mừng trước sự phát triển, trưởng thành của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều! Mãi mãi biết ơn Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều; biết ơn các thầy giáo, cô giáo, các bạn bè cùng học! Không bao giờ quên những kỷ niệm sâu sắc của một thời thiếu niên, thanh niên vô tư, sôi nổi ở Nguyễn Gia Thiều”. [3]

Trong cuốn kỷ yếu “100 năm Đại học Đông Dương - Đại học Quốc gia Hà Nội”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại kỷ niệm xúc động và tự hào khi lần đầu tiên đến trường nhập học: "Vào một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 9/1963, chúng tôi tập trung ở giảng đường 1 - phố Lê Thánh Tông (tức khu nhà 19 Lê Thánh Tông bây giờ). Trước lúc điểm danh, tôi đứng chơi dưới vườn Tao đàn. Ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ "Trường Đại học Việt Nam"; sao mà cảm thấy lâng lâng, hãnh diện". [4]

Năm 2010, khi về thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội với tình cảm của một cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động chia sẻ: “Tôi đã trưởng thành từ mái trường này và mãi tự hào về truyền thống và thương hiệu mà nhà trường đã có”.

Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gây xúc động với lá thư viết tay gửi cô giáo thời tiểu học. Cuối bức thư có đề dòng chữ giản dị "Học trò cũ của cô", kèm lời tri ân: "Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo". [5]

Năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại một lần nữa về thăm Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, nhân dịp nhà trường kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn xưng ''em'' và gọi ''thầy'' với ban giám hiệu nhà trường.

"Em báo cáo các thầy, các cô, bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhưng khi về trường em xin phép các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng - cựu học sinh của trường. Trong buổi lễ, thầy cô cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng". [6]

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ các thầy cô giáo nhà trường: “Từ đáy lòng mình, tôi xin chân thành cảm ơn và không bao giờ quên công lao dạy dỗ, giáo dục, rèn luyện của nhà trường, của các thầy, cô giáo và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cán bộ, nhân viên nhà trường, sự đùm bọc, phối hợp, cộng tác của các bạn học sinh cùng thời với chúng tôi”. [7]

Dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển giáo dục, khoa học công nghệ

Ngày 9/12/2013, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội (10/12/1993 – 10/12/2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về dự và phát biểu. Tổng Bí thư khẳng định: “Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang đặt ra cho ngành Giáo dục và đào tạo nói chung, Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng, nhiều yêu cầu mới, vẻ vang, nhưng cũng nặng nề hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nền khoa học - công nghệ tiên tiến". [8]

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội (10/12/1993 – 10/12/2023) và 117 năm truyền thống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: "Nghị quyết số 45-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới đã đề ra nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030. Vì vậy, tôi tin tưởng và mong rằng tập thể thầy và trò Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phát huy trí tuệ, lòng nhiệt huyết, niềm đam mê và sức sáng tạo để hoàn thành thắng lợi mục tiêu nêu trên". [9]

Dù ở cương vị nào, giai đoạn nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển giáo dục, khoa học công nghệ.

Ngày 30/9/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và dự Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Phát biểu tại lễ khai giảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, giáo dục là quốc sách hàng đầu và khoa học - công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước. [10]

Chiều 3/11/2018, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp gỡ 55 học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm học 2017 - 2018. Đây là những học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và khu vực, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2018, học sinh tiêu biểu, vượt khó trong học tập, rèn luyện và các sinh viên xuất sắc hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2017- 2018. [11]

Trong buổi gặp gỡ này Tổng Bí thư đã có nhiều phát biểu, chỉ đạo động viên tinh thần phấn đấu học tập, vươn lên của học sinh, sinh viên. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng đặc biệt lưu ý tới việc rèn luyện “đức - trí - thể - mỹ” của các em như:

“Không chỉ ở thủ đô hay các thành phố lớn mà bây giờ ở vùng cao, vùng khó khăn cũng có nhiều học sinh rất giỏi, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng tinh thần nỗ lực, phấn đấu vươn lên rất tốt”.

“Chúng ta nói phải giáo dục toàn diện, tựu chung lại là đức và tài. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Các cháu đã học, phấn đấu giỏi, đạo đức rất tốt nhưng vẫn phải nỗ lực hơn nữa để mỗi một người phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó đức phải là gốc, là trước hết. Nói thế không phải xem nhẹ tài, tài cũng cực kỳ quan trọng, nếu không có tài thì làm sao xây dựng được đất nước, làm sao gọi được là nguyên khí quốc gia. Nhưng các cụ ta nói rồi, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, cho nên phải rất chú ý rèn luyện phẩm chất đạo đức”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý tới vấn đề nâng cao thể lực cho học sinh, sinh viên Việt Nam: “Các cháu ngồi ở đây tôi thấy bé quá, có những sinh viên năm thứ hai, năm thứ tư, trẻ thì rất trẻ nhưng phải cần to lớn, vạm vỡ hơn. Cần chú ý cả 4 mặt: đức - trí - thể - mĩ, dân tộc Việt Nam ta đã có trí tuệ tốt rồi nhưng cũng phải phát triển về mặt thể lực, sức vóc nữa.

Bác Hồ đã nói rồi, non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai được với cường quốc năm châu được hay không là trông cậy ở các cháu. Các cháu gắn liền với các thầy, “không thầy đố mày làm nên”, nên thầy và trò phải gắn bó với nhau”.

Luôn nhấn mạnh đào tạo thế hệ trẻ vừa "hồng" vừa "chuyên"

Trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”; mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. [12]

Trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2020-2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: "Năm học mới 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 có thể còn có những diễn biến mới, tôi đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo; khắc phục mọi khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc học tập cho học sinh, sinh viên; tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, rèn luyện kỹ năng và bản lĩnh cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, nỗ lực phấn đấu tạo tiền đề thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của ngành Giáo dục và lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà; mong các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của ông cha, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, vừa "hồng", vừa "chuyên". Tôi mong các bậc phụ huynh tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục tạo điều kiện để con em mình được học tập, rèn luyện tốt nhất".[13]

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022 - 2027, (diễn ra 15/12/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng và đánh giá rất cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội".

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh và gợi mở thêm một số vấn đề; trong đó trước tiên là việc tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ, để thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước ta thực sự "vừa hồng vừa chuyên", như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. [14]

Tác giả bài viết: Quỳnh Giao

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây