Trường Đại học Y Dược Thái Bìnhhttp://tbump.edu.vn/uploads/logo_1.png
Thứ sáu - 17/01/2025 23:071020
Ngày 15/01/2025, Trường Đại học Y Dược Thái Bình phối hợp cùng Bệnh viện E và Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cập nhật về phù mạch di truyền và miễn dịch dị ứng”.
Tham dự Hội thảo có TS.BS Bùi Văn Dân - Bộ môn Dị ứng Miễn dịch Trường Đại học Y Hà Nội, Phụ trách khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu, Bệnh viện E; BSNT Nguyễn Lê Hà - Khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu, Bệnh viện E; DS Trần Mỹ Cung - Đại diện bộ phận Y khoa, Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam; cùng cán bộ y tế các khoa: Da liễu, Nội, Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Thành phố Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa.
Về phía Trường Đại học Y Dược Thái Bình có PGS.TS Nguyễn Duy Cường - Hiệu trưởng Nhà trường, TS Nguyễn Thế Điệp - Phó Hiệu trưởng; TS Nguyễn Trung Kiên - Trưởng phòng Quản lý khoa học; TS Trần Thị Vân Anh - Trưởng Bộ môn Sinh lý bệnh - Miễn dịch; cùng các đồng chí là trưởng, phó trưởng các bộ môn, phòng ban, trung tâm, các cán bộ, giảng viên và đại diện các lớp học viên, sinh viên đã tham dự Hội thảo.
Hội đồng khoa học chủ trì Hội thảo gồm: PGS.TS Nguyễn Duy Cường - Chủ tịch hội đồng, TS Trần Thị Vân Anh và TS Bùi Văn Dân - Ủy viên hội đồng.
Hội thảo đã được nghe các báo cáo khoa học của các tác giả với chủ đề “Cập nhật về phù mạch di truyền và miễn dịch dị ứng” cùng nhiều thông tin mới cập nhật, bổ ích như: Cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị mày đay và phù mạch theo hướng dẫn EAACI/GA²LEN/EuroGuiDerm/APAAACI năm 2022; Hướng tiếp cận chẩn đoán và điều trị phù mạch di truyền tại Việt Nam và Các ca lâm sàng phù mạch do thuốc bao gồm thuốc ức chế men chuyển và các thuốc giảm đau chống viêm phi steroid (NSAIDS).
Phù mạch di truyền là một rối loạn hiếm gặp, gây ra do sự thiếu hụt hoặc rối loạn chức năng của C1 esterase inhibitor. Đây là một tình trạng nguy hiểm vì có thể gây ra phù ở nhiều cơ quan, đặc biệt là đường thở, đe dọa tính mạng; tuy nhiên, lại thường bị chẩn đoán muộn, với thời gian trung bình từ khi khởi phát triệu chứng đến lúc được chẩn đoán chính xác lên tới hơn 10 năm. Nhằm mục đích nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh phù mạch di truyền tại VN, Chi hội Hen, dị ứng, miễn dịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam tổ chức chương trình tầm soát xét nghiệm phù mạch di truyền miễn phí cho các trường hợp nghi mắc bệnh phù mạch di truyền.
Phù mạch di truyền và các rối loạn miễn dịch không chỉ là những vấn đề y khoa phức tạp mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc cập nhật kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi chuyên môn sẽ góp phần hỗ trợ cho công tác chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Miễn dịch dị ứng là một lĩnh vực rộng lớn và ngày càng nhận được sự chú ý, đặc biệt trong bối cảnh các bệnh lý dị ứng đang có xu hướng gia tăng do thay đổi môi trường và lối sống. Việc cập nhật kiến thức về các phương pháp chẩn đoán và điều trị không chỉ giúp nâng cao năng lực chuyên môn mà còn góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng.
Sau các báo cáo khoa học là phần thảo luận chung với nhiều câu hỏi và các ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị đối với các bệnh lý miễn dịch nói chung và phù mạch di truyền nói riêng của Hội đồng khoa học và các đại biểu tham dự hội nghị.
Kết thúc phần thảo luận, TS Trần Thị Vân Anh - Đại diện Ban tổ chức tổng kết chương trình Hội thảo và cảm ơn các đại biểu khách quý, Hội đồng khoa học chủ trì, các báo cáo viên và các nhà tài trợ đã đồng hành cùng Hội thảo. Hội thảo Khoa học với chủ đề “Cập nhật về phù mạch di truyền và miễn dịch dị ứng” đã diễn ra thành công, tốt đẹp.
Đặc biệt sau hội thảo là buổi nói chuyện truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm học tập và làm việc của TS.BS Bùi Văn Dân - với tư cách là cựu sinh viên khoá K34 của Trường Đại học Y Dược Thái Bình, với các em sinh viên thế hệ kế tiếp - các thành viên của Câu lạc bộ học tích cực của Trường.