Trường Đại học Y Dược Thái Bìnhhttps://tbump.edu.vn/uploads/logo_1.png
Thứ hai - 23/09/2024 10:375670
Nhằm hỗ trợ, góp phần thúc đẩy hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia trong lĩnh vực Y, Dược và Công nghệ sinh học; các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ KH&CN phối hợp với các Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.10/21-30, KC.11/21-30, KC.12/21-30 và Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực Y, Dược và Công nghệ sinh học”. Hội thảo được tổ chức ngày 20/9/2024 tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội thảo khoa học có đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; Ban chủ nhiệm các chương trình KC.10/21-30; KC.11/21-30, KC.12/21-30; đại diện các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu, các bệnh viện tuyến Tỉnh và Trung ương và các doanh nghiệp KH&CN.
Đoàn cán bộ Trường Đại học Y Dược Thái Bình tham dự hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Duy Cường - Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Trung Kiên - Trưởng phòng Quản lý khoa học, TS. Bùi Thị Bình - Trưởng Khoa Dược.
Tại Hội thảo, TS. Lưu Quang Minh - Vụ phó Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN phổ biến chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ chính trị. Đặt mục tiêu đưa Việt Nam có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, là trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học thuộc nhóm đầu châu Á. Ngành công nghệ sinh học được chú trọng xây dựng thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào GDP quốc gia. Trên cơ sở này, Bộ KH&CN tham mưu Chính phủ ban hành 14 chương trình khoa học công nghệ Quốc gia và 20 chương trình do Bộ trưởng Bộ KH&CN ký ban hành.
TS. Hoàng Hoa Sơn - Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho rằng, với các ngành khác, hoạt động R&D có thể phát triển thành sản phẩm thương mại hóa. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong y tế nói chung và thuốc nói riêng cần quá trình đánh giá thử nghiệm lâm sàng, sau đó mới được cấp phép sản xuất, lưu hành. Riêng với vaccine sau khi cấp phép là tiếp tục theo dõi, kiểm tra đánh giá. Theo TS. Hoàng Hoa Sơn nghiên cứu thuốc mất nhiều công đoạn có thể lên tới hàng chục năm, với xác suất thành công rất thấp, chi phí đầu tư lớn. Do đó, các đơn vị nghiên cứu ngoài nguồn ngân sách được cấp, họ phải hợp tác quốc tế đề tăng thêm nguồn tài trợ nghiên cứu. TS. Hoàng Hoa Sơn chia sẻ về 05 định hướng ưu tiên trong nghiên cứu khoa học và công nghệ của ngành Y tế: Nghiên cứu phát triển, ứng dụng kỹ thuật, phương pháp tiên tiến trong chuẩn đoán và điều trị bệnh ở người. Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dự phòng bệnh, tật ở người; phát triển vaccine và chế phẩm sinh học. Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển thuốc, thiết bị y tế. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Nghiên cứu khoa học cung cấp bằng chứng phục vụ quản lý, xây dựng chính sách ngành Y tế.
Hội thảo đã nghe GS.TS. Tạ Thành Văn, Chủ nhiệm Chương trình KC.10/21-30 giới thiệu khung chương trình KC.10/21-30; GS.TS. Nguyễn Minh Khởi, Chủ nhiệm Chương trình KC.11/21-30 giới thiệu khung chương trình KC.11/21-30.
Hội thảo khoa học không chỉ cung cấp những thông tin bổ ích về các định hướng ưu tiên trong nghiên cứu khoa học và công nghệ của ngành Y tế; các mục tiêu và nội dung khung chương trình chương trình KC.10/21-30, KC.11/21-30 mà còn mở ra những hướng đi mới trong việc phát triển lĩnh vực Y, Dược và Công nghệ sinh học của nước ta. Bên cạnh đó, hội thảo góp phần tạo cơ hội để tìm kiếm, hỗ trợ các đơn vị, các nhóm nghiên cứu mạnh để ngày càng có nhiều đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ tham gia Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Hội thảo khoa học không chỉ là dịp để cán bộ, giảng viên Nhà trường gặp gỡ, trao đổi kiến thức chuyên môn mà còn là cơ hội để mở rộng mạng lưới quan hệ, nâng cao kỹ năng chuyên môn và cập nhật những xu hướng và tiến bộ khoa học mới nhất trong ngành, góp phần đẩy mạnh đầu tư phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Nhà trường, với những định hướng cụ thể:
- Tích cực xây dựng các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu cho các lĩnh vực: Nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm lâm sàng, Nghiên cứu về Y học dự phòng, Nghiên cứu sản xuất dược, dược liệu; Nghiên cứu trang thiết bị y tế; Nghiên cứu Công nghệ sinh học phân tử.
- Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực KH&CN có trình độ cao nhằm xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, từng bước nâng cao tiêu chuẩn nhà khoa học tiệm cận với tiêu chuẩn ở các nước phát triển trong khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN của Trường.
- Thúc đẩy chương trình tuyển chọn, cử cán bộ đi đào tạo nhân lực KH&CN trình độ cao thuộc các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm ở các nước có nền KH&CN tiên tiến. Nghiên cứu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tìm kiếm, liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực KH&CN.
- Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với đội ngũ nhân lực KH&CN tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp Tỉnh, cấp Bộ, cấp Quốc gia. Đặc biệt khuyến khích, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước có trình độ và năng lực sáng tạo cao tham gia thực hiện các đề tài, dự án KH&CN của Trường.
Tác giả bài viết: TS Nguyễn Trung Kiên - Trưởng phòng Quản lý khoa học
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://www.tbump.edu.vn là vi phạm bản quyền