Tham dự lớp tập huấn có PGS.TS Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS Nguyễn Duy Cường - Hiệu trưởng Nhà trường, cùng toàn thể các thầy trong Ban Giám hiệu, các thầy/cô là trưởng, phó các phòng, ban, trung tâm, khoa, bộ môn, cùng sự tham dự của gần 300 cán bộ giảng viên Nhà trường.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Duy Cường đã nhấn mạnh sự thay đổi như vũ bão của ngành công nghệ đã mang lại nhiều công cụ hỗ trợ đắc lực trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và công việc hàng ngày. Trong thời đại số, việc tích hợp công nghệ AI vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó, mỗi cán bộ, giảng viên cần phải nhanh nhạy hơn nữa để ứng dụng công nghệ trong công việc hàng ngày.

Tại buổi tập huấn, TS Đỗ Ngọc Minh đã trình bày các nội dung: Công nghệ số; Kỷ nguyên của tri thức; Mô hình giáo dục đào tạo; AI trong bối cảnh chuyển đổi số; Giới thiệu tổng quan và thực hành ứng dụng một công cụ AI phổ biến như ChatGPT, Gemini, Copilot, cũng như các nền tảng mới ra đời như DeepSeek, Grok. TS Minh đã đặc biệt nhấn mạnh các nền tảng Gen AI tiêu biểu ứng dụng cho từng mục đích khác nhau như: Văn bản, bảng tính, slide, video, âm nhạc, hình ảnh, chuyển ngữ, chuyển văn bản thành giọng nói. Sau phần trình bày, TS. Minh đã có những trao đổi, thảo luận và hướng dẫn các học viên tham gia tập huấn về những vấn đề khi sử dụng AI trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và ứng dụng hàng ngày trong lĩnh vực Y dược học. Đặc biệt, với cách trình bày trực quan, sinh động và cập nhật, TS Minh đã truyền cảm hứng và gợi mở đam mê tự học tự hoàn thiện để tiếp cận tri thức mới được tạo ra hàng ngày cho các học viên. Như vậy, lớp tập huấn không chỉ cung cấp những kiến thức nền tảng và ứng dụng thực tiễn mà còn tạo cơ hội trao đổi, thảo luận để hướng tới việc triển khai AI vào thực tế hoạt động của Nhà trường, giúp nhà trường bắt kịp những xu hướng giáo dục hiện đại.

Phát biểu bế mạc buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Duy Cường đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo đang mang đến những cơ hội đột phá cho giáo dục nói chung và cho lĩnh vực y học nói riêng. Buổi tập huấn đã cung cấp các kiến thức cơ bản, bổ ích cho các cán bộ, giảng viên để có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Do đó, mỗi cán bộ, giảng viên trường Đại học Y Dược Thái Bình cần chủ động tự học, tự tìm hiểu để có thể áp dụng hiệu quả AI vào công tác giảng dạy, nghiên cứu và chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong thời đại số hóa.