Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025)

Thứ hai - 19/05/2025 06:52 33 0
Ngày 19 tháng 5 năm 1946, lần đầu tiên Nhân dân ta long trọng tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Kể từ đó, mỗi dịp 19/5 trở thành ngày thiêng liêng, là dịp để toàn dân tộc cùng sống trong những giờ phút xúc động, niềm vui dâng trào, tưởng nhớ và bày tỏ lòng kính yêu vô hạn với Bác.
Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025)
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác - Người đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì hòa bình, độc lập và hạnh phúc của Nhân dân.

Mặc dù Bác đã đi xa hơn 56 năm, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn là ngọn đuốc soi đường, sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trường tồn cùng thời gian và mãi mãi tỏa sáng trong hành trình phát triển của Nhân dân ta cũng như nhân loại tiến bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, quê ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng Người dùng nhiều tên gọi, bút danh, trong đó nổi bật nhất là Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh. Người sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, ngay từ thuở nhỏ đã tiếp thu được truyền thống yêu nước, lòng nhân ái từ gia đình và quê hương đất nước. Trong thời gian 10 năm sống ở Huế - trung tâm văn hóa, chính trị của đất nước, Người tiếp xúc với nhiều sách báo Pháp, với nền văn hóa mới và những bàn luận về các phong trào chống Pháp của các sĩ phu yêu nước.  Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của mình, Bác đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân, Bác sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Với ý chí và quyết tâm đó, tháng 6/1911, Bác Hồ đã rời Tổ quốc đi sang phương Tây để tìm con đường giải phóng dân tộc. Ngày 03/6/1911, Nguyễn Tất Thành nhận thẻ nhân viên lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin với cái tên là Văn Ba. Hai ngày sau, 05/6/1911 con tàu rời cảng Nhà Rồng đến Pháp.

Từ năm 1912 - 1917, với tên gọi Nguyễn Tất Thành, Bác Hồ đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hòa mình với nhân dân lao động. Qua thực tiễn, Bác cảm thông sâu sắc cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa cũng như nguyện vọng thiêng liêng của họ. Bác sớm nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới và tích cực hoạt động nhằm đoàn kết nhân dân các dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Cuối năm 1917, Bác Hồ từ Anh trở lại Pháp, hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp.

Năm 1919, Bác Hồ lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã gửi tới Hội nghị Véc-xây (Versailles) bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.

Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Tháng 4/1922, Hội xuất bản báo “Người cùng khổ” (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Nhiều bài báo của Nguyễn Ái Quốc đã được đưa vào tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản tại Paris năm 1925. Đây là một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, góp phần thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng.

Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô, làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Tháng 10/1923, tại Hội nghị Quốc tế Nông dân lần thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân và là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được cử vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng. Tiếp đó tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Đại hội Quốc tế Thanh niên lần thứ IV, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Tại các đại hội, Nguyễn Ái Quốc kiên trì bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I.Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc.

Tháng 11/1924, với tư cách là Ủy viên Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Nguyễn Ái Quốc làm việc trong đoàn cố vấn Bô-rô-đin của Chính phủ Liên Xô.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng, ra tuần báo “Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện được tập hợp in thành sách “Đường Kách mệnh” - một văn kiện lý luận quan trọng đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.

Tháng 5/1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Mát-xcơ-va (Liên Xô), sau đó đi Béc-lin (Đức), đi Brúc-xen (Bỉ), tham dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc, sau đó đi Ý và từ đây về châu Á.

Từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Xiêm (Thái Lan), tiếp tục chuẩn bị cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Tháng 6/1931, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Kông. Đầu năm 1933, Nguyễn Ái Quốc được trả tự do. Từ năm 1934 đến năm 1938, Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa tại Mát-xcơ-va. Kiên trì con đường đã xác định cho cách mạng Việt Nam, Bác tiếp tục theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Tháng 10/1938, Người rời Liên Xô sang Trung Quốc, bắt liên lạc với tổ chức Đảng chuẩn bị về nước.

Ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước sau hơn 30 năm xa Tổ quốc. Tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Tháng 8/1942, Bác lấy tên là Hồ Chí Minh, đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược, sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Hồ Chí Minh bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian một năm 14 ngày bị tù, Bác đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù” với 133 bài thơ chữ Hán. Tháng 9/1943, Bác được trả tự do.

Tháng 9/1944, Bác Hồ trở về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12/1944, Bác chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 5/1945, Bác Hồ rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây theo đề nghị của Bác, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân đã họp quyết định Tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tháng 8.1945, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ra mắt Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam.

Ngày 01/01/1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Tháng 01/1946, Quốc hội khóa I đã bầu Bác Hồ làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 02/3/1946, Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập do Bác làm Chủ tịch.

Ngày 3/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới do Bác làm Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ (từ 11/1946 đến 9/1955) và kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (từ 11/1946 đến 1947).

Cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam phá tan âm mưu của đế quốc, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng. Ngày 19/12/1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Bác Hồ được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (7/5/1954).

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1955) Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Tháng 10/1956, tại Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ X khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, kiêm làm Tổng Bí thư của Đảng. Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III đã bầu Bác Hồ làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Bác Hồ động viên toàn thể nhân dân Việt Nam vượt mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bác khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mất lúc 9 giờ 47 phút, ngày 02/9/1969 tại Hà Nội.

Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân Việt Nam bản Di chúc lịch sử, căn dặn những việc Đảng và nhân dân Việt Nam phải làm để xây dựng đất nước sau chiến tranh. Bác viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Thực hiện Di chúc của Bác Hồ kính yêu, toàn dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973, chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Mùa xuân năm 1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện mong ước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.

Từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987, trong khóa họp lần thứ 24 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.6.5, lấy năm 1990 nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đã hiến dâng trọn vẹn tình cảm, trí tuệ và cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Người để lại cho thế hệ hôm nay một di sản vô giá: đó là tư tưởng sâu sắc, đạo đức trong sáng, phong cách mẫu mực – kết tinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời hàm chứa tinh thần nhân văn tiến bộ của thời đại.

Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là tài sản tinh thần to lớn của Đảng, của dân tộc Việt Nam, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với truyền thống 57 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Y Dược Thái Bình luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với công tác đào tạo và rèn luyện đội ngũ thầy thuốc “vừa hồng, vừa chuyên”.

Tấm gương đạo đức của Bác là kim chỉ nam để mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường rèn luyện y đức, nâng cao y thuật, sống có lý tưởng và trách nhiệm với cộng đồng. Lời dạy của Người: “Lương y phải như từ mẫu”

không chỉ là phương châm hành động, mà còn là động lực để thế hệ thầy thuốc tương lai không ngừng phấn đấu, cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Hướng về Người với lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc, tập thể lãnh đạo Nhà trường nguyện đoàn kết, đồng tâm, nỗ lực phấn đấu, lãnh đạo Nhà trường hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; quyết tâm xây dựng Trường Đại học Y Dược Thái Bình ngày càng phát triển vững mạnh, khẳng định vị thế là cơ sở giáo dục đại học uy tín của ngành Y tế và đất nước. Viên chức, người lao động, học viên, sinh viên và các tổ chức chính trị – xã hội trong Nhà trường sẽ tích cực hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo, cùng nhau thi đua lập nhiều thành tích chào mừng 50 năm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (1975–2025); chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Tác giả bài viết: Phòng Hành chính & Công tác chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bộ Y tế
Bộ GD&DT
CĐ Y tế
Sức khỏe đời sống
Quản lý lịch giảng
Trả lời cử chi
Tạp chí Y Dược Thái Bình
Bệnh viên
Dieu duong
viec lam
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay56,340
  • Tháng hiện tại950,692
  • Tổng lượt truy cập47,293,588
Thăm dò ý kiến

Giao diện mới của website tbump.edu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây